Mã vạch và công nghệ mã vạch sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả nếu chúng ta không có những thiết bị đầu - cuối dùng để tạo và giải mã ký hiệu. Có nhiều loại thiết bị dùng để tạo và giải mã barcode mà trong đó Barcode Thermal Printer và Barcode Scanner là loại thông dụng nhất được ứng dụng rộng rãi trong cả buôn bán lẻ lẫn trong sản xuất công nghiệp, v.v...
Máy in nhiệt chuyên dùng để in mã vạch
Hình bên cạnh là một chiếc máy in barcode loại trung bình, có kích thước vào khoảng 26cm X 38cm X 32cm. Nói chung các hãng khác nhau đều chế tạo các máy in nhãn loại trung có kích thước không chênh lệch nhau nhiều lắm, nhưng về trọng lượng thì có thể có máy nặng, máy nhẹ là do nguyên vật liệu bên trong.
Về nguyên lý làm việc, máy in nhãn hoạt động theo công nghệ in truyền nhiệt, khác hẳn với các công nghệ in ma trận (in kim), in phun hay in laser.
Trong công nghệ in truyền nhiệt, đầu in là một khối cố định gồm nhiều điểm nóng còn gọi là các phần tử in, còn giấy hoặc các vật liệu in thì di chuyển đi qua đầu in trong quá trình in. Để in được lên vật liệu in, máy in nhãn sử dụng một loại mực đặc biệt gọi là mực nhiệt (thermal ink). Mực nhiệt được phủ trên 1 lớp film rất mỏng gọi là lớp film nền (base film). Trong quá trình in, một mặt của base film (không có mực) sẽ áp vào đầu in để nhận nhiệt lượng từ các phần tử in, còn mặt kia có phủ mực được áp sát vào vật liệu in. Nhiệt lượng sẽ truyền từ các phần tử in qua lớp base film để làm chảy mực ở phía bên kia và in lên vật liệu in.
Đó là về nguyên lý tổng quát, trên thực tế nguyên lý này được vận dụng để chế tạo ra máy in nhãn do đặc tính của loại mực nhiệt là:
1. Rất bền, có thể chịu được trầy sướt, kháng hoá chất, kháng dung môi.
2. Có thể chịu được nhiệt độ môi trường rất cao mà vẫn bảo quản được hình ảnh, dữ liệu.
3. Có thể in lên các loại vật liệu in khác nhau như vải, da, nhựa, giấy nhựa tổng hợp, giấy nhôm, giấy bạc, v.v... và lẽ dĩ nhiên là in lên được giấy nhưng phải là loại giấy nhãn.
Chính vì những đặc tính ưu việt của loại mực nhiệt như vậy nên người ta muốn in nó lên nhãn của sản phẩm để có được độ bền về dữ liệu mà các công nghệ in khác không thể có được, và cũng chính vì thế mà công nghệ chế tạo máy in nhãn, hay chính xác là máy in truyền nhiệt (Thermal Transfer Printer) đã ra đời.
Với công nghệ chế tạo ra máy in nhãn, giấy in (bao gồm giấy nhãn, giấy bạc, giấy nhựa tổng hợp, v.v...) được lắp vào máy thường là loại giấy cuộn và do đó mực nhiệt được sản xuất cũng theo từng cuộn ruy băng (ribbon) như hình bên trên. Các ruy băng mực này có lớp vật liệu nền là base film (1 loại polyester) chứ không phải bằng vải như ribbon của các máy in kim.
Do đặc tính của máy in nhãn là ....... để in nhãn, mà nhãn thì phải bao gồm cả barcode và phải được in với số lượng rất nhiều mới đáp ứng được yêu cầu sản xuất trong công nghiệp, cho nên một máy in nhãn phải bảo đảm được 2 yếu tố là:
1. Hỗ trợ các loại barcode thông dụng
2. In được tốc độ cao để theo kịp sản xuất.
May mắn thay công nghệ in truyền nhiệt chẳng những hỗ trợ được rất nhiều loại barcode mà còn in được với tốc độ in gấp 3, hoặc 4 lần so với 1 máy in laser. Chính vì những lý do trên, các công ty sản xuất thường phải trang bị cho mình tối thiểu 1 máy in nhãn thay vì phải in bằng 3 máy in laser với "nguy cơ kẹt giấy" ngày càng cao.
Dù có những ưu điểm như vậy, nhưng sử dụng 1 máy in nhãn cũng không phải dễ dàng như 1 máy in văn phòng thông thường. Đó là do máy in nhãn là một dạng máy in công nghiệp sử dụng nhiều loại vật liệu in khác nhau (giấy, da, vải,...), các loại mực nhiệt có độ nóng chảy khác nhau, do đó đầu in cũng phải "nhận ra" điều này để chỉnh nhiệt độ in cho phù hợp, mặc khác trên bề mặt của giấy nhãn có thể được chia làm 2 hoặc 3 hoặc 4 nhãn theo hàng ngang, kích thước của mỗi nhãn có khi lớn khi nhỏ, vậy thì làm sao máy nhận biết để in cho "trúng" vào các nhãn khi giấy nhãn phải thay đổi liên tục? Đó là một vấn đề về công nghệ mà người ta đã giải quyết được bằng cách đưa vào máy in các loại đầu dò vật liệu in và mực (material sensor), đồng thời phải trang bị cho máy in nhãn 1 phần mềm "nội tại" gọi là "phần sụn" hay Firmware.
Nói nôm na, Firmware là phần mềm nằm ngay bên trong máy (Flash Memory) dùng để định cấu hình cho máy hoạt động đúng với tình trạng của vật liệu in, ribbon nhiệt thông qua sự trợ giúp của các đầu dò (sensor). Mỗi khi thay đổi cấu hình in, có khi cũng phải định lại cấu hình máy trong Firmware vì 1 khi các đầu dò phát hiện ra 1 sự thay đổi lớn về vật liệu in hoặc về loại ribbon nhiệt, chức năng tự bảo vệ của Firmware sẽ làm cho máy không in được (máy báo lỗi). Có thể sử dụng Firmware bằng 2 cách:
1. Dùng các phím Toggle trên mặt máy in nhãn ( setup đầy đủ)
2. Dùng phần mềm đi kèm (setup cơ bản)
Các hãng sản xuất máy in nhãn đều có cấu tạo của máy in khác nhau và Firmware cũng rất khác nhau. Chính vì vậy "bán máy nào, rào máy đó", chuyên viên của hãng nào cũng chỉ thành thạo các sản phẩm của công ty mình, nếu "đụng" đến 1 sản phẩm "lạ" thì phải nghiên cứu trước (mà có khi còn chưa ra!). Tuy xem ra có vẻ phức tạp như vậy, nhưng thực tế ngày nay, các máy in nhãn càng ngày càng tự động để cho người sử dụng cảm thấy được dễ dàng, kế nữa là trách nhiệm của người bán buộc lòng phải hướng dẫn cho người sử dụng cặn kẻ những chức năng quan trọng của máy và sẵn sàng tư vấn kỹ thuật cho khách hàng của mình. Mọi sự "vắt chanh bỏ vỏ", thiếu trách nhiệm đối với khách hàng sẽ làm cho khách hàng không còn là "thượng đế" nữa và sẽ làm mất đi sự tín nhiệm đối với công ty.
Để thấy được sự khác nhau giữa các loại máy in nhãn, dưới đây là vài ví dụ thực tế tại 1 số công ty:
Máy Tec của hãng TOSHIBA, tiêu biểu là loạt máy thuộc Series 570. Chức năng tự động nhận dạng ribbon, tự động chỉnh nhiệt độ. Firmware sử dụng theo 3 cách: dùng các phím Toggle trên mặt máy, dùng phần mềm và 1 phần dùng DIP Switch bên trong thùng máy. Máy Tec thuộc series 570 có các bộ phận cơ khí khá phức tạp, không có chức năng cân chỉnh đầu in, nhưng in rất tốt đối với loại ribbon Wax/Resin hoặc Resin. Nhiệt độ cân chỉnh trong phạm vi từ 0-10 (level) Khi mất cấu hình phải chỉnh bằng chức năng Threshold. | |
Máy Zebra 105-SL của hãng Zebra, chức năng tự động nhận dạng ribbon, tự động hoặc chỉnh bằng tay (manual) nhận dạng giấy. Phần cơ khí đơn giản, thay đầu in dễ dàng, cân chỉnh đầu in bằng lò xo áp lực. Sử dụng Firmware theo 2 cách: bằng các phím Toggle (setup đầy đủ) và bằng phần mềm (setup cơ bản). Máy Zebra 105-SL sử dụng tốt đối với hầu hết các loại ribbon và các loại giấy nhãn. Khi mất cấu hình phải cân chỉnh bằng chức năng Manual Calibration khá dễ dàng. Nhiệt độ cân chỉnh trong phạm vi từ 0 -30 (level), nhiệt độ chuẩn 12 (đối với máy mới). | |
Máy SATO CL-408e của hãng SATO, chức năng tự động nhận dạng ribbon, tự động hoặc chỉnh bằng tay (manual) nhận dạng giấy. Phần cơ khí đơn giản, thay đầu in dễ dàng nhưng chỉnh áp lực đầu in bằng cách trượt . Firmware sử dụng theo 3 cách giống như Tec. Khi mất cấu hình phải chỉnh bằng chức năng Threshold Level. Trong điều kiện bình thường, máy SATO 408e cũng khá dễ chịu, không kén mực, không kén giấy. Nhiệt độ cân chỉnh từ 0 - 5 (level) | |
Máy DATA MAX DMX-I-4208 của hãng DATAMAX, chức năng tự động nhận dạng ribbon, tự động hoặc chỉnh bằng tay nhận dạng giấy. Phần cơ khí đơn giản, thay đầu in dễ dàng. Sử dụng Firmware bằng các phím Toggle và bằng phần mềm. Khi mất cấu hình có thể dùng chức năng Standard Calibration để chỉnh lại. Nếu bị mất cấu hình trầm trọng phải dùng đến chức năng Advanced Entry Calibration. Nhiệtd độ cân chỉnh từ 0 - 30 (level). Ưu điểm của máy in DataMax là in rất đẹp, không kén ribbon, không kén giấy. |
Trên đây là một số máy hiệu thực tế dùng tại 1 số xí nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp Biên Hoà, Linh Trung, Bình Dương,... Ngoài ra, trong các khu công nghiệp người ta còn dùng đủ các hiệu máy như Argox, Intermec, Avery, v.v...Tuy nhiên, không có máy in nào là hoàn hảo 100%, nhưng nhìn chung tất cả các loại máy in nhãn đều có thể hoạt động tốt từ 2 đến 5 năm trước khi xảy ra những trục trặc nhỏ, có thể khắc phục được.
Một vấn đề quan trọng cũng cần phải đặc ra đó là hiện tượng mòn đầu in. Vì đầu in của máy in nhiệt được bắt cố định trong khi vật liệu in thường xuyên đi qua nên sau 1 thời gian dài sử dụng, lực mài mòn đầu in của vật liệu in sẽ làm cho đầu in bị mòn dần và đến lúc nào đó, bắt buộc phải được thay thế. Đó là điều tất nhiên vì cơ cấu hoạt động về cơ khí của máy in nhãn cũng giống hệt như cơ cấu vận hành của một máy Cassette Recorder trong đó việc mòn "đầu từ" là điều hiển nhiên sau một thời gian dài sử dụng. Biện pháp hạn chế mòn đầu in là dùng lọai ribbon nhiệt có lớp phủ bảo vệ tốt, ma sát ít và vận hành máy in ở tốc độ trung bình.
Như vậy là các bạn đã có được một khái niệm cơ bản về máy in barcode và tự các bạn có thể so sánh nó với các loại máy in văn phòng khác. Để tìm hiểu thêm về sự khác nhau này, xin mời các bạn hãy click vào mục Hỏi và Đáp.
No comments:
Post a Comment